NHỮNG LỢI ÍCH KHI ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU RA NƯỚC NGOÀI
Cùng với xu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, trong những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu trong nước và đặc biệt là để phục vụ cho việc đẩy mạnh xuất khẩu.
Chúng ta đều phải thừa nhận một thực tế là nền kinh tế của các nước Tư bản chủ nghĩa đã phát triển trước chúng ta hàng trăm năm.
Sự phát triển của các quan hệ kinh tế khách quan dẫn tới việc nhận thức sớm và hết sức đúng đắn của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế ở những quốc gia này.
Họ đã sớm nhận thức được ý nghĩa cũng như những giá trị kinh tế hết sức to lớn mà các tài sản trí tuệ sẽ mang lại cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình Tuy nhiên, giá trị của các tài sản trí tuệ không phải được hình thành một cách tự nhiên mà nó phải trải qua cả một quá trình tích luỹ lâu dài bởi các hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp là chủ sở hữu của các tài sản trí tuệ đó.
Một số bài học đáng nhớ của chúng ta có thể kể tới chính là vụ tranh chấp nhãn hiệu Trung Nguyên tại Mỹ, vụ tranh chấp nhãn hiệu VINATABA tại Trung Quốc, Inđonexia,…
Do vậy, để có thể bảo vệ thành quả đầu tư cho các tài sản trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu hàng hoá, các doanh nghiệp Việt Nam cần có một nhận thức đúng đắn của việc đăng ký bảo hộ các đối tượng này ở nước ngoài.
1. Sự cần thiết của việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại nước ngoài
1.1 Các lợi ích kinh tế doanh nghiệp có thể có được sau khi đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài
Sau khi nhãn hiệu được đăng ký ở quốc gia sở tại, doanh nghiệp là chủ sở hữu nhãn hiệu có thể dạt được một số lợi ích như sau:
Doanh nghiệp – Chủ sở hữu nhãn hiệu có độc quyền sử dụng nhãn hiệu tại lãnh thổ quốc gia sở tại; quyền độc quyền này có thể chuyển giao cho các chủ thể khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng li xăng (thông qua những hợp đồng này, doanh nghiệp có thể thu được những khoản tiền tương đối lớn).
Sự đảm bảo về giá trị pháp lý tạo ra sự gia tăng giá trị kinh tế của nhãn hiệu;
Tạo ra thế cân bằng khi đàm phán hay cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh cùng loại sản phẩm, dịch vụ tại nước ngoài;
Hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc gia sở tại, tránh được các chi phí tốn kém cho các hoạt động giải quyết tranh chấp liên quan tới việc xác định chủ sở hữu nhãn hiệu.
1.2 Các rủi ro khi nhãn hiệu không được đăng ký tại quốc gia sở tại
Rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp – chủ nhãn hiệu có thể mắc phải là bị một bên thứ 3 đăng ký chiếm chỗ.
Các bên đăng ký chiếm chỗ thường là:
– Doanh nghiệp của Việt Kiều hoặc người Việt Nam ở nước ngoài;
– Doanh nghiệp nước sở tại đã hoặc đang là đối tác của chính các doanh nghiệp Việt Nam;
– Doanh nghiệp nước sở tại trong cùng một lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Mục đích của việc đăng ký chiếm chỗ:
Các đối tượng nêu trên thường đăng ký chiếm chỗ nhằm một số mục đích có tính thương mại sau:
– Kiếm lợi từ việc yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu phải mua lại nhãn hiệu của mình với giá cao;
– Ngăn cản việc nhập khẩu hàng hoá hoặc việc kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam;
– Sử dụng uy tín có được từ nhãn hiệu đối với bộ phận người tiêu dùng biết đến danh tiếng của nhãn hiệu đó;
– Bôi xấu nhãn hiệu nhằm làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp thực tế sử dụng nhãn hiệu đó.
Hậu quả của rủi ro:
– Việc sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia sở tại có thể bị coi là vi phạm pháp luật.
– Chi phí bỏ ra cho việc giành lại nhãn hiệu là rất tốn kém.
1.3 Thị trường ưu tiên đăng ký:
Các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng ưu tiên đăng ký cho các thị trường nước ngoài sau đây:
– Thị trường có nhãn hiệu đang được sử dụng;
– Thị trường có tiềm năng khai thác lớn trong tương lai;
– Thị trường nơi có các đối tác lớn hiện tại của doanh nghiệp;
– Thị trường các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao như Mỹ, Nhật, Tây Âu. Việc đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia này sẽ góp phần làm tăng giá trị của nhãn hiệu và là một cơ sở quan trọng để có thể giành lại nhãn hiệu đã bị mất tại thị trường các quốc gia mà doanh nghiệp chưa có điều kiện để đăng ký.
1.4 Nhãn hiệu ưu tiên đăng ký:
Doanh nghiệp nên ưu tiên đăng ký trước những nhãn hiệu sau đây:
Nhãn hiệu gắn liền với tên tuổi, uy tín của doanh nghiệp;
Nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ trọng tâm tại thị trường tương ứng
2. Một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài
2.1 Tra cứu nhãn hiệu
Tương tự như ở Việt Nam, một nhãn hiệu hàng hoá và dịch vụ chỉ được bảo hộ độc quyền khi nó không trùng hoặc không tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó hoặc đã được nộp đơn với ngày ưu tiên sớm hơn.
Việc tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký giúp việc khẳng định nhãn hiệu đó có khả năng bảo hộ hay không và do đó tránh được các chi phí không cần thiết. Ngoài ra việc tra cứu còn giúp cho việc nhận diện nhãn hiệu đang sử dụng đó có vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ trước đó hay không. Tuy nhiên việc tra cứu là không bắt buộc.
Tài liệu cần tra cứu:
+ Mẫu nhãn hiệu
+ Danh mục sản phẩm, dịch vụ
+ Tên nước cần đăng ký bảo hộ
Chi phí, thời gian tra cứu: Sẽ theo quy định cụ thể tại từng Quốc gia, sẽ báo lại cho quí khách sau khi gửi yêu cầu.
2.2 Đăng ký nhãn hiệu
Sau khi nhận được kết quả tra cứu, nếu nhãn hiệu đó đáp ứng đủ các điều kiện bảo hộ theo sự uỷ quyền của người nộp đơn, mọi thủ tục để nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ được thực hiện.
Hình thức nộp đơn: Có 03 hình thức nộp đơn
– Nộp đơn qua Madrid (áp dụng cho các quốc gia thành viên của Thoả ước Madrid);
– Nộp đơn qua OHIM;
– Nộp đơn trực tiếp tại từng quốc gia.
Các tài liệu cần thiết cho việc đăng ký nhãn hiệu nước ngoài:
– Mẫu nhãn hiệu cần đăng ký;
– Danh mục các sản phẩm theo phân nhóm quốc tế cần đăng ký;
– Bản sao có công chứng, chứng thực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam;
– Giấy uỷ quyền do chúng tôi cung cấp.
– Chi phí, thời gian đăng ký: Sẽ theo quy định cụ thể tại từng Quốc gia, sẽ báo lại cho quí khách sau khi gửi yêu cầu.
Lưu ý: Tại một số nước, hồ sơ đăng ký yêu cầu cần có bản sao giấy chứng nhận kinh doanh/ bản sao văn bằng được cấp tại Việt Nam/giấy uỷ quyền được công chứng và hợp pháp hoá lãnh sự (chúng tôi sẽ hỗ trợ Công ty thực hiện công việc này).
Trên đây là bài viết nhằm làm rõ về lợi ích khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài. Trường hợp bạn đọc cần tư vấn chi tiết hơn, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin như sau:
- Hotline: 028 6271 0346 (Ms.Hao)
- Email: info.ipleader@gmail.com
- Website: https://ipleader.vn
- Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/IPLEADER.LTD
- Địa chỉ: Phòng 306, Tầng 3, Vietphone Office Building, 127-129 Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh