Hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
1. Cơ sở pháp lý:
Pháp luật về nhượng quyền thương mại (NQTM) được quy định rải rác trong Luật thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ. Một số quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về NQTM như:
Điều 284 – 291 Luật Thương mại 2005;
Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (Nghị định số 35/2006/NĐ-CP);
Thông tư số 09/2006/TT-BTM ngày 25/05/2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động NQTM (Thông tư số 09/2006/TT-BTM).
2. Tình hình hoạt động NQTM hiện nay:
Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến tháng 6/2020, đã có 279 thương hiệu nước ngoài đăng ký NQTM vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực nhận NQTM nhiều nhất là chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng (chiếm 41,31%); thứ hai là các cửa hàng bán lẻ khác (chiếm khoảng 15,49%); tiếp đến là lĩnh vực thời trang (chiếm 14,08%); cuối cùng là lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Ngoài ra, NQTM còn thực hiện đối với các cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ khác.

Hiện nay, NQTM tại Việt Nam chủ yếu phát triển ở mô hình độc quyền cấp 1, rất ít thương hiệu NQTM theo mô hình cấp 2 khi đối tác cấp 1 tiếp tục được nhượng quyền từng chi nhánh, hoặc từng khu vực cho một đối tác thứ cấp tiếp theo như cách làm tại các thị trường phát triển.
Bộ Công thương nhận định, trong tương lai, hoạt động NQTM tại Việt Nam sẽ phát triển theo 4 xu hướng:
- Các thương hiệu lựa chọn đối tác nhận NQTM hàng loạt để đẩy nhanh tốc độ nhân rộng, thay vì nhượng quyền từng cửa hàng, thúc đẩy tính cạnh tranh của thương hiệu so với các thương hiệu khác trên thị trường.
- Các thương hiệu lớn tự phát triển hệ thống cửa hàng trực thuộc trong một thời gian nhất định, sau đó nhượng quyền lại cho các đối tác kinh doanh (nhượng quyền lại – reFranchise)
- Thị trường nhượng quyền về thức ăn nhanh sẽ tiếp tục phát triển nhưng người tiêu dùng có xu hướng ngày càng đề cao vấn đề an toàn thực phẩm. Vì vây, các thương hiệu NQTM sẽ có sự thay đổi sâu sắc về thực đơn.
- Thị trường NQTM dịch vụ như giáo dục và y tế, vận tải hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ.
3. Bất cập pháp lý và một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp trong hoạt động nhượng quyền thương mại:
a) Bất cập pháp lý:
Pháp luật về NQTM cho phép bên NQTM có quyền từ chối chuyển giao quyền thương mại nếu “bên nhận chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của bên NQTM trực tiếp”. Quy định này dễ dẫn đến tình trạng bên NQTM có thể đưa ra các điều kiện ràng buộc bán kèm mà bên nhận NQTM không có sự lựa chọn, vi phạm về “thoả thuận hạn chế cạnh tranh” theo Luật Cạnh tranh.
Điều khoản cam kết không nhượng quyền cho bên thứ 3 trong 1 khu vực lãnh thổ nhất định thường được ghi nhận trong hợp đồng NQTM. Điều khoản này một mặt giúp bên nhận giảm thiểu sức ép cạnh tranh, mặt khác lại vi phạm Luật Cạnh tranh về “thoả thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu tụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ”.
Luật Thương mại quy định: “Trường hợp bên NQTM chuyển giao chuyển giao cho bên nhận quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp và các nội dung của quyền thương mại, thì phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đó có thể được lập thành một phần riêng trong hợp đồng NQTM”. Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ lại yêu cầu “việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp”
Có thể thấy, pháp luật hiện hành về NQTM có những quy định còn chồng chéo, chưa đồng nhất. Cần ban hành những quy định phù hợp để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những hoạt động kinh tế đặc trưng khác nhau nói chung và hoạt động NQTM nói riêng nhằm hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh và quản lý hoạt động thương mại trong lĩnh vực này hiệu quả hơn.
b) Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp trong hoạt động thượng quyền thương mại:
Mâu thuẫn và xung đột lợi ích giữa các bên là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp. Trong khi bên NQTM có xu hướng chi phối kiểm soát càng nhiều càng tốt đối với các hoạt động của bên nhận NQTM thì bên nhận NQTM lại muốn hạn chế tối đa sự can thiệp của bên NQTM và phát triển hoạt động kinh doanh theo mong muốn của mình.
Một số trường hợp gây ra xung đột cụ thể có thể kể đến:
- Thứ nhất, bên NQTM áp đặt sự kiểm soát trái với tinh thần của hoạt động NQTM, gây ảnh hưởng đến tính độc lập của bên nhận NQTM.
- Thứ hai, bên nhận NQTM cho rằng chỉ cần ký hợp đồng NQTM là có thể kinh doanh thành công. Vậy nên, bên nhận NQTM thường có xu hướng đổ lỗi cho bên NQTM khi kinh doanh không thuận lợi.
- Thứ ba, một trong các bên cố tình lợi dụng hoạt động NQTM để trục lợi bằng các biện pháp không trung thực.
Nhằm hạn chế các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về NQTM, bên NQTM cũng như bên nhận NQTM cần hiểu rõ bản chất của hoạt động này cũng như có sự cam kết và tin tưởng giữa các bên để nâng cao uy tín, chất lượng của hệ thống.
Trước khi quyết định hoạt động NQTM, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống thương hiệu, sản phẩm, mô hình, quy trình chuyển giao, chương trình đạo tạo,… thật rõ ràng và chi tiết. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, không ngừng cải tiến bộ nhượng quyền thương mại cho phù hợp, kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa bên NQTM và bên nhận NQTM để đôi bên cùng đoàn kết, hợp tác lâu dài vì mục tiêu chung.
Tài liệu tham khảo:
https://congthuong.vn/bai-1-tiem-nang-lon-144900.html
https://congthuong.vn/bai-2-khac-phuc-chinh-sach-bat-cap-144968.html