Bài đăng

14 Th8

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHO CÁC SẢN PHẨM BÁN LẺ

Bán lẻ là là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.[1] Thông thường, các doanh nghiệp sẽ có suy nghĩ là họ được quyền bán lẻ bất kỳ loại hàng hoá gì miễn là nằm trong phạm vi giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng đối với những hàng hoá thông thường, còn riêng đối với hàng hoá mang nhãn hiệu độc quyền (Nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ hay nhãn hiệu nổi tiếng) thì chỉ có người được phép sử dụng nhãn hiệu (chủ sở hữu, hoặc bên nhận li- xăng, bên nhận chuyển nhượng quyền thương mại từ chủ sở hữu nhãn hiệu) thì mới có quyền bán hàng hoá mang nhãn hiệu đó. Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích quyền sử dụng nhãn hiệu trên bốn loại hàng hoá bán lẻ thường gặp, bao gồm: hàng hoá tự sản xuất, hàng hóa đặt gia công, hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá phân phối (trong nước).

 

*Hàng hóa tự sản xuất

Đây là trường hợp đơn giản nhất, bởi doanh nghiệp bán lẻ đồng thời là doanh nghiệp tự sản xuất, theo khoản 1 Điều 87 và khoản 1 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2022, thì chủ sở hữu nhãn hiệu chính là người sản xuất là hàng hoá đó. Đương nhiên doanh nghiệp bán lẻ sẽ có quyền bán sản phẩm mang nhãn hiệu độc quyền của công ty mình.[2]

Ví dụ minh hoạ có thể kể đến là Công ty TNHH Nature Story, họ là công ty sản xuất mỹ phẩm Cocoon Việt Nam, brand mỹ phẩm nổi tiếng với việc sử dụng dụng nguyên liệu 100% thuần chay, an toàn và lành tính. Sản phẩm sản xuất đa dạng và phong phú bao gồm nước tẩy trang, sữa rửa mặt, toner, dầu gội đầu, sữa tắm,.. và đều có điểm chung là mang nhãn hiệu “the cocoon ORIGINAL VIETNAM”

Nguồn: Internet

 

*Hàng hóa gia công

Đây là trường hợp thường xuyên xảy ra tranh chấp bởi bên đặt gia công khi ký hợp đồng với bên nhận gia công không thêm vào điều khoản bảo vệ tài sản trí tuệ. Hậu quả là bên nhận đặt gia công nghĩ họ là bên cũng được quyền bán sản phẩm mang nhãn hiệu độc quyền bởi họ chính là bên trực tiếp thực hiện việc tạo ra thành phẩm và sản phẩm bên họ có chất lượng không khác gì bên đặt gia công cả.

Tuy nhiên, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là tài sản vô hình, không đồng nhất với việc chiếm hữu hàng hoá hữu hình. Ngoài ra, bản chất của việc gia công là hoạt động thuê bên gia công làm thay bên đặt gia công một công đoạn hay toàn bộ quá trình sản xuất một sản phẩm[3], chứ không phải bên gia công tự tạo ra nhãn hiệu. Đó là còn chưa nói đến việc sản phẩm tạo ra thuộc về bên đặt gia công, nên họ mới là bên được quyền được đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Trong trường hợp này, bên đặt gia công mới là chủ sở hữu của nhãn hiệu độc quyền nên họ mới là bên có quyền gắn nhãn hiệu độc quyền của họ lên hàng hoá, nếu như họ muốn bên nhận gia công gắn nhãn hiệu của họ lên sản phẩm thì họ phải có văn bản cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho bên đặt gia công. Vì vậy, để tránh tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp trong hợp đồng gia công, các bên nên quy định rõ trong hợp đồng về điều khoản quyền sở hữu và cho phép sử dụng đối với nhãn hiệu.

Ví dụ cho trường hợp này là Công ty Cổ phần BS Cosmetics, họ là công ty Việt Nam sở hữu brand mỹ phẩm BS Cosmetic Saffron nổi tiếng với việc sử dụng nhụy hoa nghệ tây (được xem là vàng đỏ) làm thành phần chính trong các dòng sản phẩm của họ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng sản phẩm này không phải do Công ty CP BS Cosmetics trực tiếp sản xuất mà thuê Nhà máy Kolmar Korea thực hiện gia công toàn bộ quy trình sản xuất. Nhà máy Kolmar Korea là công ty ODM (Original design manufacturer) đầu tiên tồn tại trong ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Hàn Quốc, là nhân tố đứng sau sự thành công của hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như Innisfree, Nature Republic, Lancome, Loreal. Kolmar Korea cung cấp tổng số dịch vụ được đề xuất từ xu hướng, phát triển sản phẩm, sản xuất đến ban quản lý, dựa trên công nghệ số 1 toàn cầu và các bí quyết kiểm soát chất lượng hiệu quả. Toàn bộ sản phẩm Kolmar Korea gia công cho BS Cosmetics đều chỉ mang nhãn hiệu BS Cosmetics lên sản phẩm, không mang nhãn hiệu hiệu của Kolmar Korea.

Nguồn: internet

 

*Hàng hoá nhập khẩu

Đối với các hàng hoá nhập khẩu không có nhãn hiệu chỉ có tên công ty, hoặc có nhãn hiệu nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ ở Việt Nam hay nhãn hiệu đó không phải nhãn hiệu nổi tiếng, thì doanh nghiệp bán lẻ chỉ cần kê khai nguồn gốc xuất xứ ở tờ khai hải quan, trong nhãn hàng hoá và xuất trình hoá đơn mua bán hàng hoá, không cần xin phép chủ sở hữu cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Bởi bản chất việc nhập khẩu hàng hoá không mang nhãn hiệu bảo hộ tại Việt Nam chỉ bao gồm việc chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản hữu hình, không có yếu tố tài sản trí tuệ vô hình, trừ trường hợp hàng hoá được bên xuất khẩu đã được bảo hộ các quyền sở hữu công nghiệp khác như kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, tên thương mại,.. thì bên nhập khẩu vẫn phải xin phép cấp sử dụng đối với các tài sản trí tuệ đó.

Còn đối với hàng hoá có nhãn hiệu độc quyền được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam hoặc hàng hoá đã được bảo vệ trên hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế có nộp đơn bảo vệ ở Việt Nam, thì chủ sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu độc quyền chính là bên xuất khẩu, bởi họ là bên được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bên bán lẻ nếu muốn nhập khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu thì phải có Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp[4] hoặc có thể yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu cập nhật doanh nghiệp bán lẻ vào danh sách các nhà xuất nhập khẩu hợp pháp. Nếu không có những tài liệu trên thì bên nhập khẩu sẽ không chứng minh được mình là chủ thể có quyền sử dụng nhãn hiệu, khi qua hải quan có khả năng rất cao hàng hoá sẽ bị giữ lại bởi nghi ngờ hàng hoá làm giả.

Ví dụ cho trường hợp này là có thể kể đến thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng SVR thuộc SVR Laboratoire Dermatologique (Phòng nghiên cứu da liễu SVR) đến từ Pháp. Sứ mệnh của SVR Laboratoire Dermatologique là tạo ra dòng sản phẩm phù hợp với những làn da nhạy cảm nhất nhưng vẫn mang lại hiệu quả rõ rệt trên da khách hàng. Hiện nay, Công ty Cổ phần Thương mại Việt Nữ đang là đơn vị nhập khẩu chính hãng dòng sản phẩm này từ SVR Laboratoire Dermatologique. Mục tiêu của công ty là trở thành nhà cung ứng và phân phối ngành hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp hàng đầu tại Việt Nam. Sản phẩm Công ty Cổ phần Việt Nữ nhập khẩu từ Pháp chỉ mang nhãn hiệu của SVR Laboratoire Dermatologique, không mang nhãn hiệu của Công ty Việt Nữ.

Nguồn: internet

 

*Hàng hoá phân phối (trong nước)

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, phân phối là “các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại”. Trong hợp đồng phân phối, nhà cung cấp thuê nhà phân phối ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá với khách hàng thay cho họ. Hàng hoá mà nhà phân phối giao dịch với khách hàng thuộc về quyền sở hữu của nhà cung cấp, nên nhãn hiệu độc quyền trên hàng hoá cũng thuộc sở hữu của nhà cung cấp, nhà phân phối không được tự ý dán nhãn hiệu của mình lên hàng hoá. Tuy nhiên, việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu độc quyền trong hợp đồng phân phối là bắt buộc, vì vậy, cần phải có điều khoản quy định về phạm vi địa lý, mục đích mà bên phân phối được phép sử dụng nhãn hiệu, tránh tình trạng bên phân phối tự ý phân phối làm ảnh hưởng lợi ích đến các nhà phân phối khác của nhà cung cấp hay ảnh hưởng xấu đến chiến lược quảng bá sản phẩm của nhà cung cấp.

Ví dụ minh hoạ cho trường hợp này là dòng sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương. Chủ sở hữu và sản xuất của dòng sản phẩm này là Công ty cổ phần Sao Thái Dương, công ty hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và mỹ phẩm, đã hai lần được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, dòng sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương đã được phân phối bởi nhiều đơn vị trải dài Việt Nam, một trong số đó là Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế và Dược phẩm Hoàn Cầu. Công ty được thành lập năm 2015 với cơ sở vật chất tiên tiến được chứng nhận đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn GSP và GDP quốc tế. mục tiêu của công ty là trở thành một trong những nhà phân phối dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Sản phẩm mà Cổ phần Thương mại Quốc tế và Dược phẩm Hoàn Cầu phân phối của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương chỉ mang nhãn hiệu “DẦU GỘI DƯỢC LIỆU THÁI DƯƠNG” của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, không mang nhãn hiệu của Công ty phân phối.

Nguồn: internet

Trên đây là những điều cần lưu ý khi sử dụng nhãn hiệu cho các sản phẩm bán lẻ. Quý độc giả và khách hàng có thể liên hệ với IP LEADER để được tư vấn cụ thể hơn.

 

———————————————-

Liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY TNHH IP LEADER

Địa chỉ: Phòng 03.04 Tòa nhà Newton Residence, Số 38 Trương Quốc Dung, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  076.455.2008

Email: info.ipleader@gmail.com

Website: https://ipleader.vn

 Trúc Nhàn – IP Leader

[1] Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP

[2] Khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2022

[3] Điều 542 Bộ Luật Dân sự 2015

[4] Khoản 3 Điều 33 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ

Bài tương tự

(+84) 076 455 2008