LIỆU THƯ ĐỒNG Ý CÓ PHẢI LÀ CHIẾC “PHAO CỨU SINH” CHO NHÃN HIỆU?
Nhãn hiệu trùng, tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất mà Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) làm căn cứ từ chối bảo hộ nhãn hiệu. Và Thư đồng ý là một biện pháp mà chủ đơn đăng ký nhãn hiệu có thể dùng để phản biện căn cứ đó, là cơ sở tăng khả năng bảo hộ nhãn hiệu của mình. Tuy vậy, liệu Thư đồng ý có luôn là chiếc “phao cứu sinh” cho nhãn hiệu của bạn được bảo hộ thành công, hãy cùng IP LEADER tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Thư đồng ý cho phép sử dụng nhãn hiệu là gì?
Thư đồng ý (Letter of consent) là văn bản thể hiện sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ trước (nhãn hiệu đối chứng) đối với việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu tương tự nhãn hiệu của mình được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức khác cho cùng sản phẩm/dịch vụ hoặc sản phẩm/dịch vụ tương tự.
Bằng Thư đồng ý, chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng đã chấp thuận cho người khác đăng ký và sử dụng nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu của mình. Đồng thời, cam kết rằng sẽ không khiếu nại, khiếu kiện việc đăng ký hoặc sử dụng đó.
Trên thực tiễn hiện nay, với lý do nhãn hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trước đến mức có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thì nhãn hiệu sẽ bị từ chối bảo hộ bởi Cục SHTT. Khi đó, chủ đơn đăng ký có thể xin phép sử dụng nhãn hiệu từ chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng bằng Thư đồng ý nhằm khắc phục việc nhãn hiệu bị từ chối, làm căn cứ để loại bỏ lý do từ chối của Cục SHTT.
Trường hợp nào thư đồng ý có thể được chấp nhận?
Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào liên quan đến Thư đồng ý nhưng trên thực tế Cục SHTT vẫn xem xét, đánh giá theo một vài trường hợp cụ thể (case-by-case) và đồng ý cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở Thư đồng ý như trường hợp chủ đơn và chủ nhãn hiệu đối chứng là công ty mẹ – con thuộc cùng một tập đoàn, hoặc công ty liên kết.
Vậy Thư đồng ý có phải chiếc “phao cứu sinh” cho nhãn hiệu không?
Như đã đề cập, Thư đồng ý chỉ được xem xét theo các trường hợp cụ thể, không đương nhiên được chấp nhận nên Cục SHTT vẫn hoàn toàn có thể không chấp nhận Thư đồng ý và từ chối bảo hộ nhãn hiệu.
Nếu nhãn hiệu đăng ký và nhãn hiệu đối chứng không là nhãn hiệu liên kết nhưng lại giống hệt nhau hoặc tương tự đến mức người tiêu dùng tin rằng các nhãn hiệu đó đều có cùng chủ sở hữu thì việc cung cấp Thư đồng ý cũng không thể “cứu” nhãn hiệu đăng ký. Hay hiểu một cách khác là Thư đồng ý chỉ có thể được áp dụng hiệu quả trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký và nhãn hiệu đối chứng vẫn có một vài sự khác biệt nhất định, vẫn đảm bảo được người tiêu dùng có thể phân biệt giữa các nhãn hiệu.
Do vậy, cho dù Thư đồng ý được xem là một biện pháp vượt qua sự từ chối bảo hộ của Cục SHTT nhưng không vì thế mà nó sẽ là biện pháp bảo đảm việc được bảo hộ đối với nhãn hiệu.
Nguồn tham khảo:
A letter of consent to overcome a refusal against a trademark application in Vietnam
Letters of Consent in Vietnam trademark practice
_________________________________
Để được tư vấn thêm về bảo hộ nhãn hiệu và các vấn đề pháp lý khác liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bạn đọc liên hệ IP LEADER để biết thêm chi tiết, thông tin liên hệ:
Hotline: (+84) 76 455 2008 (Mr.Bảo)
E-mail: info.ipleader@gmail.com
Đia chỉ: Phòng 03.02 Tòa nhà Newton Residence, Số 38 Trương Quốc Dung, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.